Skip to main content

100% từ thảo dược

Hotline
100% từ thảo dược

6 loại viêm da ở trẻ em dễ mắc phải – Mẹ không thể bỏ qua

6 loại viêm da ở trẻ em dễ mắc phải – Mẹ không thể bỏ qua

Viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc dị ứng, bệnh viêm da có mủ… là các bệnh lý phổ biến ở trẻ em. Các loại viêm da ở trẻ em này tuy không ảnh hưởng đến tính mạng song lại khiến trẻ rất khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ. Sau đây là các bệnh viêm da ở trẻ nhỏ phổ biến, nguyên nhân và cách điều trị.

Xem thêm:

1. Viêm da cơ địa ở trẻ

Ở trẻ nhỏ, viêm da cơ địa thường khởi phát với những thương tổn ban đầu là ngứa và dạng chàm da. Nếu trong gia đình của trẻ có người thân có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan tới dị ứng như hen, viêm mũi, viêm xoang, sẩn ngứa, mề đay hay dị ứng thuốc… thì trẻ sinh ra có tỉ lệ mắc viêm da cơ địa tương đối cao.

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ

  • Yếu tố môi trường: Ô nhiễm môi trường; bụi, lông động vật, chất liệu vải, …
  • Yếu tố di truyền: Có khoảng 60% người lớn bị viêm da cơ địa có con bị bệnh này và nếu cả bố và mẹ cùng bị bệnh thì trẻ sinh ra có đến 80% cũng bị bệnh.
Viêm da cơ địa ở trẻ
Hình ảnh viêm da cơ địa ở trẻ em

Dấu hiệu của viêm da cơ địa ở trẻ em

  • Trên da xuất hiện các sẩn đỏ, vết trợt, da trở nên dày hơn, có thể xuất hiện mụn nước khu trú hay lan tỏa cấp tính kèm theo nhiễm khuẩn thứ phát.
  • Bệnh thường xuất hiện chủ yếu ở những vùng nếp gấp như khủy tay. Ngoài ra mi mắt, hai bên cổ, cẳng tay cũng có thể xuất hiện bệnh.

Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh và trẻ em không quá nguy hiểm. Các loại viêm da cơ địa ở trẻ hầu hết trẻ sẽ tự khỏi khi đến 18-24 tháng tuổi. Đối với trẻ em thì khoảng 70% sẽ tự khỏi khi lớn lên nếu chăm sóc và điều trị đúng cách, 30%  còn lại thì kéo dài dai dẳng.

Dấu hiệu viêm da cơ địa ở trẻ
Các vết sẩn đỏ, vết trợt là biểu hiện của viêm da cơ địa ở trẻ em

2. Bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em

Viêm tiếp xúc hay còn gọi là viêm da dị ứng trẻ em là phản ứng của da khi trẻ tiếp xúc với một số yếu tố từ môi trường bên ngoài gây ra kích ứng.

Bệnh có thể diễn tiến cấp tính hoặc mạn tính, tùy từng trường hợp. Đây cũng là bệnh viêm da thường gặp ở trẻ với 1.5-5.4% dân số thế giới gặp phải ở nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Hình ảnh viêm da dị ứng ở trẻ em
Hình ảnh viêm da dị ứng ở trẻ em

Dấu hiệu viêm da dị ứng ở trẻ theo giai đoạn

  • Cấp tính: Ở giai đoạn này trên da xuất hiện những dát đỏ, có ranh giới rõ ràng và có hiện tượng sưng, phù nề. Các bọng nước này khi bị vỡ sẽ để lại những vết trợt và khi khô thì sẽ đóng vảy tiết. Trẻ có cảm giác ngứa, khó chịu.
  • Bán cấp tính: Giai đoạn này những tổn thương da có màu đỏ nhạt, kích thước nhỏ và có vảy khô. Trong nhiều trường hợp trên da xuất hiện đốm màu đỏ nhỏ hoặc những vùng da sẩn chắc và có hình tròn.
  • Mạn tính: Giai đoạn này thường da sẽ dày hơn thành các mảng. Các mảng này ít gây ngứa và nhiễm khuẩn nhưng gây mất thẩm mỹ trên bề mặt da của bé. Cha mẹ không nên để bệnh viêm da dị ứng ở trẻ chuyến sang mạn tính.
Viêm da dị ứng giai đoạn nặng
Viêm da dị ứng giai đoạn nặng

Bé bị viêm da dị ứng phải làm sao

Đối với các loại viêm da dị ứng khác nhau sẽ có hướng điều trị cụ thể khác nhau. Cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám xác định bệnh trước khi dùng thuốc theo đơn.

Điều trị bệnh cụ thể như sau:

  • Viêm da dị ứng cấp tính, lan tỏa toàn thân có thể chỉ định corticoid toàn thân liều thấp 15-20mg/ngày x 3 ngày sau giảm liều xuống 5mg/ngày x 3 ngày rồi ngừng điều trị.
  • Điều trị tại chỗ phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, thường sử dụng các chế phẩm có corticoid.
Thuốc corticoid
Thuốc corticoid dùng trong điều trị viêm da dị ứng

3. Bệnh viêm da mủ ở trẻ em

Trẻ sơ sinh bị viêm da mủ có thể do tụ cầu khuẩn hoặc liên cầu khuẩn gây ra. Hình ảnh viêm da mủ ở trẻ em điển hình là các mụn mủ nhiễm khuẩn, có thể lây lan khi bị vỡ mụn hoặc bé gãi ngứa.

Trẻ bị viêm da mủ
Hình ảnh viêm da mủ ở trẻ em

3.1. Viêm da mủ ở trẻ em do tụ cầu khuẩn

Viêm da tụ cầu hay gặp ở trẻ nhỏ do độc tố của tụ cầu vàng gây ra và có thể gây thành dịch ở trẻ sơ sinh trong bệnh viện.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Do tụ cầu vàng, tên khoa học là Staphylococcus aureus tiết ra độc tố gây bong da lưu hành trong máu người bệnh.
  • Có 2 loại độc tố khác nhau là exfoliative toxin A và B (ETA, ETB). Các độc tố làm phân cắt desmoglein 1 (thường nằm ở lớp hạt của thượng bì) gây ra các bọng nước khu trú nông, dễ vỡ và bong vảy rất nhanh.

Dấu hiệu viêm da ở trẻ em do tụ cầu

  • Ban đầu khi nhiễm khuẩn tụ cầu vàng là thương tổn chốc hoặc nhọt.
  • Bệnh khởi phát trẻ sẽ có các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, khó chịu, kích thích, đau họng và đau rát da. Sau đó trên da (chủ yếu xung quanh miệng) xuất hiện những ban màu hồng nhạt.
  • Sau khoảng từ 1-2 ngày thì bệnh sẽ diễn tiến xấu đi với sự xuất hiện của những bọng nước nông, nhanh chóng vỡ tạo thành lớp vảy da mỏng, nhăn nheo hoặc có thể có đỏ da toàn thân.
Hình ảnh viêm da mủ do tụ càu khuẩn ở trẻ nhỏ
Hình ảnh viêm da ở trẻ em do tụ cầu khuẩn

Cách điều trị  viêm da mủ do tụ cầu ở trẻ em

Nguyên tắc điều trị viêm da mủ do tụ cầu khuẩn là sử dụng kháng sinh toàn thân, uống thêm nước – điện giải để năng cao thể trạng của trẻ. Cụ thể:

  • Thời gian điều trị 7 ngày: sử dụng thuốc kháng sinh, tốt nhất là Amoxicillin phối hợp với acid clavulanic: trẻ em < 12 tuổi: 30mg/kg/ngày chia 2 lần, trẻ em > 12 tuổi: 40mg/kg/ngày (tùy tình hình dịch tễ ).
  • Trường hợp vi khuẩn tụ cầu vàng nhạy cảm Methicillin thì sử dụng Oxacillin 150 mg/kg/ngày chia đều 6 giờ/lần, lộ trình điều trị từ 5-7 ngày cũng mang lại hiệu quá điều trị khả quan.
  • Đối với vi khuẩn tụ cầu vàng kháng Methicillin thì sử dụng vancomycin 40-60 mg/kg/ngày chia đều 6 giờ/lần, thời gian điều trị từ 7-14 ngày.
  • Lưu ý: Cha mẹ chỉ dùng kháng sinh cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.

3.2. Viêm da mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn

Viêm da mủ do liên cầu khuẩn có các thể như chốc lây, chốc loét, hăm kẽ, viêm quầng. Đây là một trong các loại viêm da ở trẻ em phổ biến, ít gặp ở người lớn

Viêm da mủ do liên cầu khuẩn ở trẻ nhỏ
Viêm da mủ do liên cầu khuẩn ở trẻ nhỏ

Dấu hiệu viêm da mủ ở trẻ em do tụ cầu khuẩn

Trên da xuất hiện những bọng nước nông, nằm rải rác, và có mủ, sau khi vỡ đóng vảy ở vết thương.

  • Trên da xuất hiện nhiều dát đỏ xung huyết, ấn kính hoặc căng da mất màu. Lúc này vùng tổn thương sẽ có kích thước từ 0.5-1cm. Sau một thời gian ngắn sẽ xuất hiện những bọng nước trên những dát đỏ.
  • Đặc điểm của những bọng nước này là kích thước từ 0.5-1cm, cảm quan nhăn nheo, có quầng đỏ viêm xung quanh bọng nước. Sau vài giờ, bọng nước sẽ nhanh chóng trở thành bọng mủ.
  • Khi các bọng mủ bị vỡ ra thì sẽ đóng thành vảy. Nếu cạy bỏ lớp vảy tiết này thì sẽ thấy những vết trợt nông màu đỏ, có bề mặt khá ẩm ướt.
  • Nếu liên cầu khuẩn xuất hiện ở đầu thì việc hình thành vảy tiết sẽ khiến cho tóc bị bết. Sau từ 7-10 ngày thì những vảy tiết này sẽ bong đi để lại lớp da có màu hồng, nhẵn. Những vùng da này sẽ nhanh chóng lành lặn lại mà không để lại sẹo.
  • Viêm da ở trẻ do liên cầu khuẩn có thể gây ra viêm cầu thận rất nguy hiểm.
Viêm da liên cầu
Hình ảnh bệnh viêm da liên cầu

Cách điều trị viêm da ở trẻ nhỏ do nhiễm liên cầu khuẩn

Nguyên tắc điều trị bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là kết hợp thuốc điều trị tại chỗ và toàn thân, chống ngứa, tránh lây nhiễm và điều trị biến chứng nếu có. Cụ thể:

  • Ngâm, tắm: sử dụng nước thuốc tím loãng 1/10.000 hoặc các dung dịch sát khuẩn khác để ngâm hoặc tắm 1 lần/ngày cho trẻ.
  • Chấm dung dịch màu như milian, castellani, dung dịch eosin 2%… vào buổi sáng trên các bọng nước, bỏng mủ để giúp chúng nhanh khô, đóng vảy nhanh.
  • Trường hợp nhiều vảy tiết: sử dụng nước muối sinh lý 9% hoặc nước thuốc tím 1/10000 hay dung dịch Jarish để các vảy tiết nhanh khô và bong vảy dễ dàng.  Ngoài ra cũng có thể sử dụng thuốc mỡ kháng sinh hoặc kem bôi chứa axit fucidic, erythromycin… để bôi 2-3 lần/ngày cũng giúp vảy tiết nhanh khô và bong tróc dễ dàng.

4. Bệnh viêm da dầu (viêm da tiết bã)

Viêm da dầu là một trong các dạng viêm da ở trẻ nhỏ, thường gặp ở trẻ sơ sinh do tuyến bã tăng hoạt động do tác dụng của hormone androgen từ mẹ truyền qua bé.

Nguyên nhân

Nguyên nhận của bệnh viêm da dầu chưa được khẳng định rõ ràng. Thường được biết đến là do sự tăng tiết chất bã, dầu tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển. Một trong số đó phổ biến là nấm malassezia, vi khuẩn P.acne và một số vi khuẩn khác. Đây là một trong số các bệnh viêm da ở trẻ em lành tính nhất.

Dấu hiệu viêm da tiết bã ở trẻ em

  • Trên da xuất hiện những dát đỏ thẫm, có vảy da khô.
  • Gàu xuất hiện đối với viêm da ở trẻ sơ sinh tiết bã ở đầu, viêm da đầu ở trẻ em thường gọi là “cứt trâu”.
  • Các loại viêm da mặt thì da mặt xuất hiện các dát đỏ, có vảy da màu trắng, thường bị ở giữa 2 lông mày và rãnh mũi, má.
  • Ở trên cơ thể thì xuất hiện ở trước ngực và vùng liên bả vai với các sẩn đỏ ở những nang lông có vảy mỡ. Các sẩn liên kết với nhau tạo thành những mảng lớn, có nhiều cung như cánh hoa, giữa có vảy mỏng, xung quanh là các sẩn màu đỏ thẫm trên có vảy mỡ.
  • Ở vùng nhiều nếp gấp như nách, bẹn, vùng hậu môn, bộ phận sinh dục có biểu hiện viêm kẽ, đỏ da, giới hạn rõ và có vảy mỡ.
Viêm da đầu ở trẻ lan xuống mặt
Vùng da giữa chân mày đóng vảy

Cách chữa bệnh viêm da dầu ở trẻ em

  • Cũng như các loại viêm da ở trẻ khác, nguyên tắc điều trị là sử dụng thuốc kháng nấm tại chỗ có tác dụng đối với Pityrosporum.
  • Có thể sử dụng thuốc bôi chứa corticoid, tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo không nên dùng trong nhiều trường hợp.
  • Các thuốc điều trị phụ thuộc vào vị trí bị viêm da tiết bã.
    • Viêm da dầu ở đầu: gội bằng dầu gội chống nấm, nước gội đầu có pyrithion, kẽm, magie.
    • Có thể dùng xà phòng chống nấm (chlorhexidin, trichorcarbanid), sau đó dùng các dẫn chất của imidazol.
    • Nếu có nhiều vảy dày trên da đầu cần làm mềm vảy bằng xà phòng hay mỡ salicylic 5% hoặc mỡ kháng sinh.
  • Không nên dùng các thuốc corticoid bôi. Trong trường hợp tổn thương lan toả có thể sử dụng ketoconazol đường uống.
  • Lưu ý: Thuốc corticoid không nên dùng quá 10 ngày, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Trẻ bị viêm da tiết bã thể nặng
Hình ảnh trẻ bị viêm da tiết bã thể nặng

5. Viêm da ở trẻ em do côn trùng cắn

Trong các loại viêm da ở trẻ em do côn trùng cắn, nguy hiểm nhất là viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang (Paederus).

Viêm da tiếp xúc do côn trùng cắn
Hình ảnh viêm da tiếp xúc do côn trùng cắn

Dấu hiệu viêm da ở trẻ em do côn trùng cắn

Là một trong các loại viêm da ở trẻ gây tổn thương nặng nề và dễ dàng nhận biết với những triệu chứng dưới đây:

  • Ban đầu có thể chỉ là một hoặc vài đám da mẩn đỏ, sau đó xuất hiện vệt dài như vết cào xước.
  • Tiếp đến da hơi phù nề, kích thước vết cắn có thể ban đầu từ vài mm sau một lúc có thể tăng đến thành vài cm.
  • Các vết cắn sau vài giờ hoặc một ngày sẽ xuất hiện bọng nước, ở giữa có dát đỏ.
  • Một số trường hợp bị nhẹ thì chỉ thấy các dấu hiệu như ngứa, nổi một vài vết đỏ lấm tấm kèm mụn nước, mụn mủ nhỏ.
  • Sau 3-5 ngày, tổn thương khô mà không thành phỏng nước, bọng mủ.
  • Trường hợp nặng hơn thì thương tổn rộng, bọng nước, bọng mủ nông lan rộng, có thể bị loét, hoại tử.
Hình ảnh kiến ba khoang cắn
Hình ảnh trẻ bị kiến ba khoang đốt

Cách chữa bệnh viêm da ở trẻ em do côn trùng cắn

Tùy thuộc theo giai đoạn bị tổn thương mà thuốc điều trị sẽ khác nhau.

  • Tại chỗ da bị côn trùng đốt, ngay sau khi bị đốt có thể sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0.9% rửa 3-4 lần/ngày để làm sạch da và nước muối sinh lý có tác dụng trung hòa độc tố.
  • Sử dụng thuốc chống viêm, làm dịu da như hồ nước, hồ Tetra-Pred hoặc mỡ kháng sinh kết hợp corticoid để bôi 2-3 lần/ngày trong trường hợp da bị tổn thương đỏ, đau rát.
  • Sử dụng dung dịch màu milian, castellani hoặc nước thuốc tím pha loãng để bôi 1-2 lần/ngày  trong trường hợp trên da xuất hiện bọng nước, bọng mủ.
  • Ngoài ra có thể sử dụng thuốc kháng histamin để giảm ngứa, giảm kích ứng da.

Viêm da ở trẻ sơ sinh do côn trùng cắn có nguy hiểm không

  • Bệnh nếu được điều trị sớm sẽ tiến triển tốt, đỡ nhanh, tổn thương đóng vảy sau khoảng 4-6 ngày. Vết thương khô dần, bong vảy, để lại vết da sẫm màu và sẽ sáng màu dần theo thời gian.
  • Trong trường hợp nặng, có thể gây bội nhiễm, nhiễm trùng đường máu
  • Nếu bị dính vào mắt có thể gây phù nề, tổn thương giác mạc, suy giảm thị lực
  • Ngủ màn là một cách phòng bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng cắn ở trẻ.
Buông màn trước khi đi ngủ để tránh côn trùng đốt
Buông màn trước khi đi ngủ để tránh côn trùng đốt

6. Viêm da dạng HERPES CỦA DUHRING-BROCQ

Viêm da dạng HERPES CỦA DUHRING-BROCQ được xếp vào nhóm bệnh da bọng nước. Là một trong các loại viêm da ở trẻ em do virus phổ biến nhất.

Nguyên nhân viêm da Herpes ở trẻ em

Là do yếu tố di truyền và hệ miễn dịch. Cụ thể:

  • Yếu tố di truyền: liên quan tới HLA-B8, HLA-DRW3 và HLA-DQw2.
  • Yếu tố miễn dịch:
    • Do sự lắng đọng của IgA ở đỉnh các nhú bì. Có 2 dạng lắng đọng chủ yếu là dạng hạt và dạng dài, trong đó dạng hạt chiếm tỉ lệ cao hơn từ 85-95%, dạng dài chiếm tỉ lệ nhỏ hơn chỉ từ 5-15%.
    • Do bổ thể C3 lắng đọng thành hạt ở trên da.
    • Dị ứng do gluten: gluten là một loại protein có trong các loại ngũ cốc. Trong gluten có chứa gliadin – được cho là nguyên nhân gây nên bệnh.

Cơ chế tác động của gliadin là do tế bào biểu mô ruột có cơ quan thụ cảm phát hiện là receptor. receptor gắn với kháng nguyên gliadin tạo thành phức hợp receptor-gliadin. Phức hợp này kích thích tế bào lympho từ hạch lympho ở quanh ruột làm khởi động đáp ứng miễn dịch niêm mạc, do đó gây ra tình trạng viêm da.

Viêm da dạng herpes ở miệng trẻ
Viêm da dạng herpes ở miệng trẻ

Triệu chứng viêm da Herpes ở trẻ nhỏ bao gồm:

  • Trẻ sốt nhẹ hoặc không, mệt mỏi, sút cân không đáng kể.
  • Xuất hiện các nốt viêm da quanh miệng, triệu chứng ban đầu là ngứa, sau đó có thể là bỏng rát hoặc đau.
  • Trên da xuất hiện các ban đỏ, mụn nước, sẩn mề đay rồi tiến triển thành bọng nước.
  • Các bọng nước thường xuất hiện trên nền ban đỏ, xuất hiện đơn lẻ hoặc cụm lại với kích thước bằng hạt ngô, căng, tròn, bóng.
  • Bên trong bọng nước chứa dịch màu vàng. Không xuất hiện hoặc hiếm khi xuất hiện xuất huyết hay quầng đỏ xung quanh bọng nước.
  • Thời gian tồn tại của bọng nước thường là từ 5-7 ngày, sau đó chúng trở nên đục hơn nếu bội nhiễm rồi vỡ ra, khi khô sẽ đóng vảy tiết hoặc vảy mủ.
  • Vị trí tổn thương khác có thể là khuỷu tay, đầu gối, lưng, mông, đùi, sau đó là ở lưng và bụng với thương tổn có tính chất đối xứng.

Cách điều trị viêm da Herpes ở trẻ em

Điều trị bệnh là điều trị tại chỗ:

  • Sử dụng dung dịch sát khuẩn eosin 2%, hoặc xanh methylen để bôi vào vùng da bị viêm.
  • Sử dụng thuốc mỡ kháng sinh hoặc kem corticoid để bôi vào vùng da bị bệnh khi tổn thương đã khô.
hình ảnh viêm da herpes ở trẻ em
Trẻ nhỏ bị herpes vì những nụ hôn trìu mến của người lớn

Cách chăm sóc trẻ bị viêm da Herpes

  • Xây dựng chế độ ăn không có gluten (các loại ngũ cốc trừ lúa gạo, ngô).
  • Đặc biệt, kiêng ăn gluten khoảng 5 tháng trở đến sẽ giảm bệnh và có thể không cần dùng thuốc để điều trị bệnh cũng khỏi được.
  • Không sử dụng các loại thuốc có iod, hải sản, thuốc chống viêm không steroid trong quá trình điều trị bệnh.
  • Ngoài ra việc sử dụng thuốc có chứa corticoid với da trẻ nhỏ cũng cần cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Vệ sinh sạch sẽ và dưỡng ẩm da hàng ngày với sản phẩm phù hợp như Kem EmBé.

*Lưu ý: Làn da của trẻ nhỏ rất nhạy cảm vì vậy mẹ không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh tại nhà cho trẻ mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Tránh trường hợp tiền mất, tật mang hoặc xảy ra những biến chứng nguy hiểm do điều trị sai cách.

Trên đây là 6 loại bệnh viêm da thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Hy vọng với những chia sẻ này các bậc bố mẹ có thể hiểu hơn về các loại viêm da ở trẻ em, từ đó có hướng xử lý kịp thời, đúng đắn khi bé có dấu hiệu viêm da.

SẢN PHẨM LIÊN QUAN

Bài viết nổi bật

Bí quyết giảm mẩn ngứa, rôm sẩy cho con ngày nắng nóng được các mẹ bỉm tin dùng

Mẩn ngứa, rôm sảy, côn trùng đốt… khiến bé thường xuyên quấy khóc, khó chịu,… Mẹ đã thử nhiều cách nhưng chưa tìm ra giải pháp toàn diện cho …

Mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị rôm sảy ở mặt?

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị rôm sảy ở mặt là tình trạng khá phổ biến, nhất là vào những hôm trời nóng bức. Không chỉ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu mà…